PHẦN 1. Ảnh HDR là gì?
1. Lịch sử phát triển của HDR
HDR là cụm từ viết tắt từ Hight Dynamic Range, có nghĩa ánh sáng bức ảnh được mở rộng để thể hiện chi tiết cho tất cả phạm vi (dải tối – dải sáng bức hình). Theo dòng lịch sử, kỹ thuật này được xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ 19, do nhiếp ảnh Gustave Le Gray (Mỹ) đã có ý tưởng sử dụng một số kỹ thuật phơi sáng (ít thời gian và nhiều thời gian hơn) để tái tạo đầy đủ phạm vi cho bức hình. Năm 1850 ông đã chụp một bức hình để thể hiện cả bầu trời và vùng biển bằng ý tưởng trên. Vì nếu ông chụp một tấm hình duy nhất, hoặc ông sẽ nhận được chi tiết nhìn thấy vùng biển khi đó vùng trời sẽ là một vùng trắng sáng. Ngược lại, nếu ông chụp một bức hình để nhìn thấy các chi tiết trời, thì vùng biển sẽ bị sáng mất hoàn toàn các chi tiết. Nguyên lý HDR chính là làm sao giữ được cả chi tiết vùng tối và chi tiết của vùng sáng.
Gustave Le Gray – (Có thể nói đây là “tổ nghiệp ảnh HDR”)
Và về sau này, với tốc độ phát triển chóng mặt của nền công nghiệp từ đầu thế kỉ 20 đến nay, HDR đã dần được các nhà khoa học trên thế giới đưa nó vào áp dụng trong phát triển công nghệ màn chiếu, máy ảnh, nhiếp ảnh… và dần nó đã được phát triển lên một tầm cao mới, những hình ảnh có tính nghệ thuật cao, chân thực hơn.
2. Giới hạn của Sensor
Theo các nhà khoa học, dải sáng Ánh sáng mắt người nhìn thấy được là các bức xạ điện từ có bước sóng nằm trong vùng quang phổ (tức là từ khoảng 380 nm đến 760 nm), trong nhiếp ảnh được quy đổi thành các giá trị từ 0 đến 18-19 stop (bước sáng). Trong tự nhiên, một bức hình bình minh, khi mặt trời đi ra vùng chân trời, bức ảnh có khoảng 18-19 stop (bước sáng), tuy nhiên với kĩ thuật sản xuất Sensor (cảm biến của máy ảnh) chỉ có thể ghi tới 15 stop (Sony A7r4 – năm 2019), không thể ghi nhận hết dải ánh sáng có trong ảnh.
Vậy có cách nào để lưu trữ cả phần bước sáng thấp và cao?
3. Dải sáng thể hiện trên biểu đồ Histogram
Biểu đồ có trên máy ảnh, phần mềm Photoshop, Light room, Capture One…
H1. Biểu đồ Histogram leo sang trái thể hiện một bức hình đang thiếu sáng (sắc độ tối chiếm nhiều);
H2. Biểu đồ Histogram cân bằng, bên trái và phải chạm tới chân của biểu đồ, không leo lên cạnh của đồ thị;
H3. Biểu đồ Histogram leo cạnh phải, cho biết bức hình đang dư sáng (sắc độ sáng chiếm nhiều). Tại vùng chi sáng này chứa nhiều dữ liệu vùng sáng, ví dụ như mây nằm lẫn trong ánh sáng lớn ở trên trời.
Sensor máy ảnh rất đơn giản là chỉ ghi nhận lại đúng giá trị mà chúng ta thiết lập cho nó, ví dụ ít thời gian thì ánh sáng vào Sensor ít hơn, nhiều thời gian chụp thì ánh sáng sẽ vào Sensor nhiều hơn. Như vậy, mỗi một thiết lập khi chụp, chúng ta chỉ nhận được một bức hình đang thiếu sáng hoặc dư sáng. (Ngoại trừ một số phương pháp cân bằng như sử dụng với đèn, filter GND… nhằm cân bằng lại các nguồn sáng ngay từ bước tiền kỳ, riêng phần với đèn chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ở Phần 3 khuôn khổ bài viết này). Với các bức ảnh có được dữ liệu như hình H2 khi đo sáng đúng vẫn chỉ mang tính chất tương đối.
Như vậy, phương pháp chụp ảnh HDR là chúng ta thiết lập các bước sáng cách nhau (+) hoặc (-) các bước sáng, như cách chụp BKT, mỗi bức hình sẽ chênh nhau 1-2stop… Càng chụp chênh sáng nhiều thành nhiều tấm, chúng ta sẽ thu lại nhiều chi tiết điểm ảnh ở các vùng, bức ảnh sẽ chuyển mượt hơn.
4. Ảnh HDR trong thực tế
Ở bức hình mô tả này, sẽ sử dụng phương pháp chụp BKT, để thay đổi bước sáng mỗi tấm hình. Ở bức thứ nhất, thiết lập để máy ảnh thu được nhiều chi tiết vùng sáng nhất.
Sẽ tương ứng với Biểu đồ Histogram chứa nhiều sắc độ tối như Hình 1. Mục 3. Khi đó các chi tiết vùng sáng sẽ thấy rất cụ thể, nhưng vùng tối thì rất ít, mục đích chụp tấm hình này để lấy chi tiết cho vùng sáng.
Ở bức hình thứ 2 sẽ thiết lập cho bức hình đủ sáng, như Hình 2. Mục 3. Ta sẽ có chi tiết ở vùng trung tính + vùng tối.
Cuối cùng, chúng ta sẽ thiết lập một bức hình dư sáng, để lấy các chi tiết ở vùng tối nhất.
Kết quả cuối cùng, bằng cách xử lý trên Photoshop chúng ta đã ghép được 03 tấm hình này lại với mục đích lấy lại được nhiều dữ liệu nhất.
Tất nhiên, việc xử lý HDR làm sao cho đẹp, chúng ta sẽ đòi hỏi một quá trình luyện tập và cảm thụ về thẩm mỹ, đặc biệt đối với ảnh cưới, vì HDR trong ảnh phong cảnh có cách xử lý khác với ảnh cưới. Sự khác biệt này sẽ được chia sẻ ở các phần tiếp theo, các bạn sẽ chờ đón xem tại website này nhé!
Người viết: Nguyễn Long;