Các Trạng Thái Thay Đổi Của Ý Thức (Altered States Of Consciousness)

Tác giả: Arnold M. Ludwig
Thuỳ biên dịch

Bên dưới lớp vỏ mỏng manh của ý thức con người là một địa hạt hầu như chưa được khám phá của hoạt động tinh thần, bản chất và chức năng của nó đều chưa được khám phá một cách có hệ thống cũng như chưa được khái niệm hoá một cách thoả đáng. Dù có rất nhiều báo cáo và nghiên cứu lâm sàng về trạng thái mơ mộng (daydreaming), trạng thái ngủ và mơ, thôi miên, cô lập giác quan (sensory deprivation), trạng thái cuồng loạn của sự phân ly và rối loạn giải thể nhân cách, các sai lệch tâm thần do thuốc gây ra và nhiều trạng thái khác. Có rất ít nỗ lực được thực hiện để tổ chức các mảnh thông tin phân tán này thành một hệ thống lý thuyết nhất quán. Ý định hiện tại của tôi là tích hợp và thảo luận về các kiến thức hiện có đối với các trạng thái thay đổi của ý thức nhằm xác định (a) những điều kiện cần thiết để các trạng thái này xuất hiện, (b) các yếu tố gây ảnh hưởng đến biểu hiện bên ngoài của chúng, (c) sự liên quan giữa chúng và/hoặc mẫu số chung, và (d) các chức năng thích ứng hoặc không thích ứng mà các trạng thái này có thể phục vụ cho con người.

Vì mục đích thảo luận, từ đây tôi sẽ gọi tắt (các) trạng thái thay đổi của ý thức là ASC(s) (viết tắt của Altered State(s) Of Consciousness) để chỉ bất cứ trạng thái tinh thần nào, được gây ra bởi các phương thức hoặc tác nhân sinh lý, tâm lý hoặc dược lý, có thể được nhìn nhận một cách chủ quan bởi cá nhân đó (hoặc một người quan sát khách quan) như là đại diện cho sự sai lệch ở một mức độ thích đáng đối với trải nghiệm chủ quan hoặc hoạt động tâm lý so với các tiêu chuẩn bình thường chung của cá nhân đó trong lúc ý thức hoạt động một cách bình thường, tỉnh táo. Sự sai lệch ở một mức độ thích đáng này có thể được thể hiện dưới dạng một mối bận tâm lớn hơn bình thường với cảm giác bên trong hoặc các quá trình thần kinh, những sự thay đổi về các đặc điểm hình thái của suy nghĩ, và sự suy giảm khả năng nhìn nhận thực tế ở các mức độ khác nhau. Mặc dù sẽ có một số cạm bẫy về khái niệm trong một định nghĩa mang tính tổng quát như vậy, nhưng các cạm bẫy này sẽ được bù đắp lại bởi một loạt các hiện tượng tâm lý lâm sàng mà hiện nay có thể được xem xét và do đó được nghiên cứu như là các hiện tượng có liên quan.

SỰ XUẤT HIỆN CỦA ASC

Các ASC có thể được tạo ra trong bất kỳ môi trường nào bởi nhiều tác nhân hoặc phương thức khác nhau làm can thiệp vào luồng kích thích cảm giác hoặc cảm thụ bình thường, dòng chảy bình thường của các xung động cơ, trạng thái cảm xúc bình thường, hoặc dòng chảy và tổ chức bình thường của các quá trình nhận thức. Dường như có một phạm vi tối ưu đối với kích thích từ bên ngoài cần thiết để duy trì trạng thái ý thức tỉnh táo bình thường, và mức độ kích thích trên hay dưới phạm vi này có vẻ có lợi cho việc tạo ra các ASC (Lindsey, 1961). Hơn nữa, bằng cách áp dụng quan điểm của Hebb (1958), chúng ta cũng thấy rằng các kích thích môi trường đa dạng và phong phú dường như cần thiết cho việc duy trì các trải nghiệm nhận thức, tri giác và cảm xúc bình thường, và khi thiếu những thích thích đó, các sai lệch tâm thần có thể xảy ra. Mặc dù có rất ít bằng chứng thực nghiệm xem xét việc thao túng quá trình vận động, nhận thức và cảm xúc, nhưng dường như có rất nhiều bằng chứng lâm sàng và giai đoạn cho thấy sự can thiệp thô bạo vào các quá trình này cũng có thể tạo ra các thay đổi trong ý thức.

Khi chỉ ra các phương pháp chung được áp dụng để tạo ra các ASC, tôi muốn nhấn mạnh rằng có thể có nhiều sự trùng lặp giữa các phương pháp khác nhau và còn có nhiều yếu tố khác đang được thực hiện ngoài những yếu tố đã được liệt kê. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc phân loại (dù khá không tự nhiên), tôi đã phân loại các phương pháp khác nhau dựa trên cơ sở các biến hoặc sự kết hợp của các biến nhất định đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các ASC này.

A. Sự suy giảm của các kích thích từ bên ngoài và/hoặc hoạt động vận động. Mục này bao gồm các trạng thái tinh thần là kết quả chủ yếu của sự vắng mặt tuyệt đối của đầu vào giác quan, sự thay đổi trong bố cục của dữ liệu giác quan, hoặc tiếp xúc liên tục với các kích thích đơn được lặp đi lặp lại. Việc giảm mạnh hoạt động vận động cũng có thể là một yếu tố quan trọng góp phần gây ra các trạng thái này.

Các ASC này có thể liên quan đến biệt giam, (Burney, 1952; Meltzer, 1956) hoặc thiếu hụt các tương tác xã hội và sự khích lệ kéo dài khi ở trên biên (Anderson, 1942; Gibson, 1953; Slocum, 1948), sống ở Bắc Cực (Byrd, 1938; Ritter, 1954), hoặc trên sa mạc; sốt đường trắng (thôi miên xa lộ) (Moseley, 1953); hiện tượng hạ độ cao đột ngột ở các phi công phản lực tầm cao (Bennett, 1961); buồn chán cực độ (Heron, 1957); trạng thái nửa tỉnh nửa mê trước giấc ngủ hay ảo giác thôi miên nửa thức nửa ngủ; ngủ và các hiện tượng có liên quan, chẳng hạn như mơ và mộng du; hoặc trạng thái thiếu hụt các cảm giác thực nghiệm (Heron, 1961; Lilly, 1956; Ziskind, 1958). Trong các bối cảnh lâm sàng, những thay đổi về ý thức có thể xảy ra sau khi mổ đục thuỷ tinh thể hai mắt (Boyd & Norris, 1941) hoặc sự bất động sâu khi bị bó bột hoặc điều trí kéo tay-chân liên tục (Leiderman và cộng sự, 1958). Chúng có thể xuất hiện khi mang mặt nạ phòng độc cho các bệnh nhân mắc bệnh bại liệt (Mendelson et al., 1958), ở các bệnh nhân bị chứng viêm đa dây thần kinh gây mất cảm giác và liệt vận động (Leiderman và cộng sự, 1958), và ở các bệnh nhân lớn tuổi bị đục thuỷ tinh thể (Bartlett, 1951). Mô tả về các dạng ASC hiếm hơn có thể được tìm thấy trong các tài liệu tham khảo về các trạng thái chữa lành và mặc khải trong quá trình “ủ bệnh” hay “ngủ trong đền” như các phương thức do người Ai Cập và Hy Lạp thời kỳ đầu đã thực hiện (Ludwig, 1964)  và “bệnh kayak”, xảy ra ở những người Greenland phải ngồi trên thuyền kayak trong nhiều ngày để săn hải cẩu (Williams, 1958).

B. Sự gia tăng của các kích thích từ bên ngoài và/hoặc các hoạt động vận động và/hoặc cảm xúc. Mục này bao gồm các trạng thái kích động về mặt tinh thần chủ yếu do cảm giác quá tải hoặc gia tăng quá mức, có thể có hoặc không kèm theo các hoạt động thể chất căng thẳng hoặc gắng sức quá mức. Các cảm xúc sâu sắc bị đánh thức hoặc sự mệt mỏi về mặt tinh thần có thể là những yếu tố góp phần chính.

Trường hợp các trạng thái ASC được gây ra thông qua các phương thức như: các trạng thái tâm lý gợi ý được tạo ra bằng các chiến thuật hỏi cung hay tra tấn (Sargant, 1957); các trạng thái tẩy não (Sargant, 1957); tăng vận động xuất thần liên quan đến sự lây lan cảm xúc thường có trong một nhóm hoặc đám đông (LaBarre, 1962; Marks, 1947); các trải nghiệm về cải đạo và trạng thái xuất thần diễn ra trong các cuộc họp tôn giáo thức tỉnh lại đức tin (Sargant, 1957; LaBarre, 1962; Coe, 1916; Kirkpatrick, 1929); sự sai lệch về tinh thần có liên quan đến các nghi thức của sự chuyển đổi nhất định (sự kiện đánh dấu giai đoạn quan trọng (giai đoạn chuyển mình) trong cuộc đời con người như sinh nhật, tốt nghiệp, kết hôn…) (Sargant, 1957); các trạng thái đoạt hồn/lên đồng (Sargant, 1957; LaBarre, 1962; Belo, 1960; Ravenscroft, 1965); các trạng thái xuất thần thuộc Shaman giáo hoặc tiên tri trong các buổi lễ của bộ lạc (Field, 1960; Murphy, 1964); trạng thái xuất thần của người đi trên lửa (Thomas, 1934); thác loạn xuất thần, chẳng hạn như trải nghiệm của những người tham gia Bacchanalia (Lễ hội Bacchanalia hay Tửu Thần Tiết ở La Mã cổ đại nơi người tham gia uống rất nhiều rượu, có những hành vi mất kiểm soát và thậm chí có thể thực hiện các hoạt động tình dục) hoặc những người theo Satan giáo trong một số nghi lễ tôn giáo nhất định (Dodds, 1963; Mischelet, 1939); mê li xuất thần, chẳng hạn như trải nghiệm “howling” hay “whirling” của các giáo sĩ hồi giáo trong điệu nhảy devr nổi tiếng của họ (Williams, 1958); các trạng thái xuất thần xuất hiện khi thủ dâm trong thời gian dài; và các trạng thái xuất thần cảnh giác cao độ (Ludwig & Lyle, 1964). Những thay đổi trong ý thức cũng có thể phát sinh từ các hỗn loạn cảm xúc và mâu thuẫn bên trong hoặc thứ phát do các điều kiện bên ngoài có lợi cho việc kích thích các cảm xúc mạnh mẽ. Ví dụ về các trạng thái này bao gồm các cơn điên bỏ nhà đi, chứng quên, loạn thần kinh chấn thương, giải thể nhân cách, các trạng thái hoảng sợ, các phản ứng giận dữ, phản ứng chuyển đổi cuồng loạn (ví dụ như các trạng thái mơ mộng và rối loạn phân ly), các rối loạn tâm thần như giận dữ mất kiểm soát, trạng thái bồn chồn và dễ bị ám thị sau một cú sốc tâm lý, và whitico (mình không biết dịch whitico là gì nhưng mình search thấy có một bài báo tiêu đề là “Một trường hợp ăn thịt đồng loại mang tính biểu tượng giống như chứng loạn thần whitico” nên mình đoán nó là một dạng cuồng loạn) (Arieti, & Meth, 1959), các trạng thái bỏ bùa và chiếm hữu mang tính ma quái (Mischelet, 1939; Galvin & Ludwig, 1961; Jones, 1959; Ludwig, 1965a), và các trạng thái loạn thần cấp tính, chẳng hạn như các phản ứng tâm thần phân liệt.

C. Tăng cường cảnh giác hoặc liên quan đến tâm thần. Mục này bao gồm các trạng thái tinh thần xuất hiện chủ yếu do cảnh giác cao độ tập trung hoặc có chọn lọc do hậu quả của việc mất cảnh giác ngoại vi trong một khoảng thời gian đủ dài.

Các ASC này có thể phát sinh từ các hoạt động sau: thời gian gác kéo dài trong quá trình thực hiện nhiệm vụ canh gác hoặc trinh sát; quan sát màn hình radar trong thời gian dài (Heron, 1957); nhiệt thành cầu nguyện (Bowers, 1959; Rund, 1957); tập trung tinh thần cao độ vào một nhiệm vụ, chẳng hạn như đọc, viết hoặc giải quyết vấn đề; tập trung tinh thần hoàn toàn vào việc lắng nghe một diễn giả năng động hoặc lôi cuốn (Ludwig, 1965b); và kể cả việc chú tâm vào hơi thở được khuếch đại của một người nào đó (Margolin & Kubie, 1944), hoặc quan sát một chiếc trống, máy đập nhịp (metronome) hoặc dụng cụ đo tốc độ quay của máy (stroboscope) trong một thời gian dài.

D. Giảm mức độ cảnh giác hay thư giãn của các năng lực thần kinh quan trọng. Mục này gồm các trạng thái tinh thần diễn ra chủ yếu do kết quả của cái gọi là “trạng thái thụ động của tâm trí”, trong đó tư duy chủ động hướng đến mục tiêu là tối thiểu.

Ví dụ về các trạng thái này bao gồm: các trạng thái thần bí siêu việt hoặc mặc khải (ví dụ như ngộ (satori), định (samadhi), niết bàn (nirvana), ý thức vũ trụ (cosmic-consciousness)) đạt được thông qua thiền thụ động hoặc xảy ra một cách tự phát trong quá trình thư giãn của các năng lực thần kinh quan trọng của con người (Bucke, 1951; Ludwig, 1966); mơ mộng, ngủ lơ mơ, trầm ngâm suy nghĩ hoặc mơ màng; nhập định duy linh và tự thôi miên (ví dụ như các khất sĩ Ấn Độ,  các nhà thần bí, các nữ tu Pythian…); trải nghiệm thẩm mỹ sâu sắc; các trạng thái sáng tạo, phát sáng và hiểu biết sâu sắc (Ludwig, 1966, Koestler, 1964); các trạng thái liên kết tự do trong liệu pháp phân tâm học; xuất thần đọc, đặc biệt là với thơ (Snyder, 1930); hoài cổ, xuất thần âm nhạc xuất phát từ việc hấp thụ các bài hát ru hoặc các bản nhạc êm dịu; và các trạng thái tinh thần có liên quan đến nhận thức sâu sắc và thư giãn cơ bắp, chẳng hạn như khi nổi trên mặt nước hoặc tắm nắng.

E. Sự hiện diện của các yếu tố tâm lý cơ thể. Mục này bao gồm các trạng thái tinh thần xuất hiện chủ yếu do những  thay đổi về hoá sinh hoặc sinh lý thần kinh của cơ thể (Hinkle, 1961). Các thay đổi này có thể được cố ý gây ra hoặc là kết quả của các điều kiện mà cá nhân có  rất ít hoặc không có quyền kiểm soát.

Ví dụ về các rối loạn sinh lý gây ra các ASC này bao gồm: hạ đường huyết; tự phát hoặc xuất hiện sau khi nhịn ăn; tăng đường huyết (ví dụ: cảm giác lười biếng sau bữa ăn); mất nước (thường chịu một phần trách nhiệm cho các biểu hiện nhầm lẫn về mặt tinh thần xuất hiện ở người đi trên sa mạc hoặc trên biên); rối loạn chức năng tuyến giáp và tuyến thượng thận (West và cộng sự, 1962; Tyler, 1956; Katz & Landis, 1935); tăng thông khí (Hyperventilation – Tình trạng mất cân bằng giữa việc hít và thở. Việc thở ra thường nhiều hơn so với việc hít vào gây giảm nhanh lượng (CO2) trong cơ thể); chứng ngủ rũ, co giật thuỳ thái dương (ví dụ như trong các trạng thái mơ màng hoặc hiện tượng déjà vu); và những biểu hiện ban đầu xuất hiện trước chứng đau nửa đầu hoặc động kinh co giật. Tình trạng mất độc tố có thể xuất hiện do sốt, uống phải các chất độc hại, hoặc đột ngột ngừng sử dụng các loại thuốc gây nghiện, như rượu và thuốc an thần. Ngoài ra, các ASC có thể được gây ra thông qua việc sử dụng nhiều tác nhân dược lý, chẳng hạn như thuốc gây tê, các loại chất gây ảo giác, gây mê, an thần và chất kích thích.

CÁC ĐẶC TÍNH CHUNG CỦA ASC

Mặc dù các ASC có nhiều đặc điểm chung, nhưng có một số khuôn ảnh hưởng chung nhất định giải thích cho phần lớn những khác biệt rõ ràng về biểu hiện bề ngoài và trải nghiệm chủ quan. Mặc dù các quy trình cơ bản tương tự có thể hoạt động trong việc tạo ra một số ASC nhất định (ví dụ như xuất thần), các yếu tố ảnh hưởng như kỳ vọng văn hoá (Wallace, 1959), nhập vai (Sarbin, 1950; White, 1941), các đặc điểm nhu cầu (Orne, 1959; 1962), các yếu tố giao tiếp, chuyển giao cảm xúc (Kubie & Margolin, 1944), động cơ và kỳ vọng cá nhân (bối cảnh tinh thần), và quy trình cụ thể được sử dụng để tạo ra ASC đều hoạt động phối hợp để hình thành và tạo ra một trạng thái tinh thần với đặc điểm độc đáo của riêng nó.

Mặc dù có những khác biệt rõ ràng giữa các ASC, chúng ta sẽ thấy rằng có một số mẫu số chung hoặc đặc điểm chung cho phép chúng ta khái niệm hoá các ASC như hiện tượng có liên quan. Trong nghiên cứu trước đây của mình (Levine và cộng sự, 1963; Levine & Ludwig, 1965a, 1965b; Ludwig & Levine, 1966), Tiến sĩ Levine và tôi đã có thể chứng minh sự hiện diện của các đặc điểm này trong sự thay đổi của ý thức do thôi miên, lysergic acid diethylamide (LSD-25), và sự kết hợp  của các biến này gây ra. Các tính chất tương tự nhau (được mô tả bên dưới), ở mức độ lớn hơn hoặc nhỏ hơn, có xu hướng là đặc điểm của hầu hết các ASC.

A. Sự thay đổi trong tư duy. Những rối loạn chủ quan về khả năng tập trung, chú ý, ghi nhớ và phán đoán đại diện cho những phát hiện chung. Các phương thức tư duy cổ xưa (quy trình tư duy căn bản) chiếm ưu thế, và kiểm nghiệm thực tế dường như bị suy giảm ở các mức độ khác nhau. Sự khác biệt giữa nguyên nhân và kết quả trở nên mờ nhạt, và sự xung đột có thể được tuyên bố nhờ đó sự không phù hợp hoặc đối lập có thể cùng tồn tại mà không có bất kỳ bất kỳ xung đột logic (tâm lý) nào. Hơn nữa, như Rapaport (1951) và Brenman (1950) đã nhận xét, nhiều trạng thái trong số này có liên quan đến việc suy giảm nhận thức phản quán.

B. Ý thức về thời gian bị xáo trộn. Ý thức về thời gian và tính tuần tự bị thay đổi rất nhiều. Cảm giác chủ quan về sự vô tận của thời gian, thời gian ngừng trôi, sự tăng tốc hoặc chậm lại của thời gian, và những cảm giác tương tự, là khá phổ biến. Thời gian cũng có vẻ như vô hạn hoặc vô cùng ngắn ngủi.

C. Mất kiểm soát. Khi một người bước vào ASC, người ta thường cảm thấy lo sợ về việc mất đi kết nối với thực tại và đánh mất khả năng tự chủ. Trong suốt giai đoạn khởi phát, người ta có thể chủ động cố gắng chống lại việc trải qua ASC (ví dụ như ngủ, thôi miên, gây mê), trong khi đối với một số trường hợp khác, người ta lại có thể từ bỏ lý trí của mình và sẵn lòng tham gia trải nghiệm (ví dụ: sử dụng ma tuý, rượu, LSD, các trạng thái thần bí).

Trải nghiệm “đánh mất sự tự chủ” là một hiện tượng phức tạp. Từ bỏ quyền kiểm soát có ý thức có thể khơi dậy cảm giác bất lực và bơ vơ, hoặc, nghịch lý thay, có thể đại diện cho việc giành được quyền kiểm soát và quyền lực lớn hơn thông việc đánh mất khả năng kiểm soát. Trải nghiệm thứ hai này có thể xuất hiện ở người bị thôi miên (Kubie & Margolin, 1944; Gill & Brenman, 1959) hoặc ở những khán giả gián tiếp đồng hoá với quyền lực và sức mạnh vạn năng mà họ gán cho nhà thôi miên hoặc kẻ mị dân. Đây cũng là trường hợp trong các trạng thái thần bí, mặc khải hoặc lên đồng, theo đó người ta từ bỏ quyền kiểm soát với hy vọng được trải nghiệm những sự thật thần thánh, khả năng thấu thị, “ý thức vũ trụ”, giao tiếp với các linh hồn hoặc các sức mạnh siêu nhiên, hoặc phục vụ như một chỗ lưu trú hay ống nói tạm thời của chúa/các vị thần.

D. Thay đổi trong biểu hiện cảm xúc. Với sự suy giảm khả năng kiểm soát hoặc ức chế có ý thức, thường có một sự thay đổi rõ rệt trong biểu hiện cảm xúc. Có thể xuất hiện các cảm xúc nguyên thuỷ và mãnh liệt một cách đột ngột và bất ngờ hơn so với khi người ta ở trạng thái ý thức tỉnh táo bình thường. Thường xuất hiện các cảm xúc cực đoan, như các cảm xúc tương đương với cực lạc và thác loạn đến những nỗi sợ hãi và trầm cảm sâu sắc.

Có một mô thức biểu hiện cảm xúc khác có thể đặc trưng cho các trạng thái này. Cá nhân có thể trở nên tách rời, không gắn kết, hoặc có những cảm xúc rất mãnh liệt nhưng không hề biểu hiện ra ngoài. Khả năng hài hước cũng có thể giảm đi.

E. Thay đổi hình ảnh cơ thể. Một loạt các biến dạng về hình ảnh ở thể thường xảy ra trong ASC. Có một số khuynh hướng chung cho các cá nhân trải nghiệm một cảm giác sâu sắc về sự giải thể nhân cách, sự phân ly giữa cơ thể và tâm trí, cảm giác về sự tách biệt của cá nhân khỏi môi trường, sự biến mất của các ranh giới giữa bản thân với người khác, với thế giới hoặc với vũ trụ.

Khi các trải nghiệm chủ quan này xuất phát từ các trạng thái độc hại hoặc mê sảng, cảm giác báo hiệu xuất hiện trước những cơn động kinh, hoặc việc tiêu thụ một số loại thuốc… Chúng thường bị cá nhân coi là kỳ lạ và thậm chí là đáng sợ. Mặc dù vậy, khi chúng xuất hiện trong một bối cảnh thần bí hoặc tôn giáo, chúng có thể được hiểu là những trải nghiệm siêu việt hoặc thần bí về “sự thống nhất”, “sự mở rộng ý thức,” “đại dương cảm xúc” hoặc “sự lãng quên.”

Có một số đặc điểm khác có thể được nhóm vào mục này. Không chỉ các bộ phận khác nhau của cơ thể có cảm giác bị teo lại, to ra, méo mó, nặng nề, không trọng lượng, mất kết nối, kỳ lạ hoặc buồn cười, mà những trải nghiệm tự phát như chóng mặt, thị lực suy giảm, suy nhược, tê, ngứa ran và mất cảm giác đau cũng có thể xuất hiện.

F. Những biến dạng về tri giác. Phổ biến đối với hầu hết các ASC là sự xuất hiện của sự biến dạng về tri giác, bao gồm ảo giác, ảo ảnh (pseudohallucination), tăng cường hình ảnh trực quan. Nội dung của những biến dạng về tri giác này có thể được quyết định bởi các yếu tố  văn hoá, nhóm, cá nhân hoặc sinh lý thần kinh và đại diện cho những ảo tưởng đạt được ước nguyện, biểu hiện của các nỗi sợ hãi cơ bản hoặc mâu thuẫn, hoặc hiện tượng đơn giản của nội dung động, như là ảo giác về ánh sáng, màu sắc, các mô hình hình học, hoặc hình dạng. Trong một số ASC, điển hình là các ASC được tạo ra bởi chất gây ảo giác, cần sa, hoặc chiêm nghiệm thần bí, chứng mê sảng có thể xuất hiện theo đó một dạng trải nghiệm giác quan được chuyển thành dạng khác. Ví dụ, nhiều người cho biết họ có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận âm thanh, hoặc có thể cảm nhận được vị của những hình ảnh mà họ thấy.

G. Thay đổi về ý nghĩa hoặc tầm quan trọng. Tại điểm này, tôi muốn đi sâu vào một trong những đặc điểm thú vị nhất của hầu hết các ASC, sự hiểu biết về điều này sẽ giúp chúng ta giải thích một số hiện tượng tưởng chừng như không liên quan. Sau khi đọc và quan sát các mô tả của nhiều ASC được tạo ra bởi nhiều tác nhân hoặc phương thức khác nhau, tôi đã rất ấn tượng với sự thiên vị của mỗi cá nhân trong những trạng thái này về việc gắn và tăng cường ý nghĩa và tầm quan trọng cho các trải nghiệm, ý tưởng và nhận thức chủ quan của họ. Đôi khi, có vẻ như một người đang trải qua một trải nghiệm “eureka”, trong đó những cảm giác về hiểu biết sâu sắc, sự soi sáng và sự thật thường xuyên xuất hiện. Trong các trạng thái độc hại hoặc rối loạn tâm thần, sự gia tăng cảm giác về tính quan trọng có thể tự biểu hiện ở việc quy kết hoặc nhầm lẫn về tầm quan trọng của các dấu hiệu bên ngoài, ý tưởng tham chiếu và nhiều trường hợp khác về “hiểu biết sâu sắc về tâm thần”.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng cảm giác về tầm quan trọng tăng lên, vốn cơ bản là một trải nghiệm đa cảm hoặc ảnh hưởng, có rất ít mối liên hệ với “sự thật” khác quan của nội dung của những trải nghiệm này (Ludwig, 1966). Để minh hoạ cho sự vô lý của một số “hiểu biết sâu sắc” xuất hiện trong ASC, tôi muốn trích dẫn một trải nghiệm cá nhân của tôi khi từng sử dụng LSD cho mục đích thể nghiệm. Đôi khi trong giai đoạn cao trào của phản ứng, tôi nhớ rằng mình có cảm giác rất mạnh mẽ muốn đi tiểu. Đứng cạnh bồn tiểu, tôi nhìn thấy tấm biển phía trên có ghi dòng chữ “Vui lòng xả nước sau khi sử dụng!” Những lời này xoáy sâu vào óc tôi, và bất thình linh tôi nhận ra ý nghĩa sâu sắc của chúng. Xúc động trước tiết lộ đáng kinh ngạc này, tôi vội quay lại với đồng nghiệp của mình để chia sẻ sự thật phổ quát này với anh ta. Thật không may, chỉ là một người phàm trần, anh ta không thể đánh giá đúng đắn tầm quan trọng có khả năng rung chuyển thế giới của những điều tôi chia sẻ và đáp lại bằng một nụ cười.

William James (1950, p. 284) mô tả các trải nghiệm chủ quan gắn liền với các thay đổi khác của ý thức. Ông viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, một trong những điều quyến rũ của việc say rượu nằm ở việc các cảm giác về thực tại và sự thật trở nên sâu sắc hơn đạt được sau khi uống rượu. Bất kỳ điều gì xuất hiện trước mắt chúng ta trong thời điểm đó đều dường như hoàn toàn giống với những gì chúng vốn là, và “hoàn toàn tuyệt đối” hơn những gì chúng ta cảm nhận được trong trạng thái bình thường.” Trong cuốn “Sự đa dạng của các Trải nghiệm Tôn giáo” của mình, ông còn bổ sung thêm:

Nitrous oxide và ether, đặc biệt là nitrous oxide, khi được pha loãng ở mức vừa đủ với không khí, sẽ kích thích ý thức thần bí ở một mức độ phi thường. Chiều sâu của sự thật dường như được tiết lộ cho người hít khí cười này. Mặc dù vậy, sự thật này phai mờ đi, hoặc biến mất tại thời điểm khí cười hết tác dụng; và nếu người hít khí cười vẫn còn nhớ những điều họ đã nói/suy diễn trong lúc high thì người ta sẽ thấy chúng là những điều vô nghĩa nhất. Tuy nhiên, ý thức về một ý nghĩa sâu sắc vẫn còn tồn tại ở đó; và tôi biết có nhiều hơn một người được thuyết phục rằng trong trạng thái say khí nitrous oxide, chúng ta có một mặc khải siêu hình thực sự. (James, 1929, p. 378)

H. Cảm giác về sự không thể diễn tả được. Thông thường, bởi vì sự độc đáo của trải nghiệm chủ quan liên quan đến một số ASC nhất định (ví dụ: các trạng thái như siêu việt, thẩm mỹ, sáng tạo, tâm thần và thần bí), một số người cho rằng họ không có khả năng hoặc thích hợp để truyền đạt bản chất hay thực chất của trải nghiệm đó cho một người chưa trải qua trải nghiệm tương tự. Góp phần vào cảm giác về sự không thể diễn tả được là xu hướng trong đó người ta phát triển nhiều mức độ quên khác nhau đối với trải nghiệm của chính mình trong quá trình thay đổi sâu sắc của ý thức. , chẳng hạn như trạng thái thôi miên, mộng du, đoạt hồn, mơ, các trải nghiệm thần bí, các trạng thái mê sảng, phê thuốc, cảm giác báo trước, các trạng thái vui nhộn và ngây ngất, và những thứ tương tự như vậy. Không có nghĩa là người ta lúc nào cũng quên, đôi khi người ta có trí nhớ rất minh mẫn về sau khi trải nghiệm chất thức thần, hút cần, hoặc một số trạng thái mặc khải hay khai trí.

I. Cảm giác trẻ lại. Mặc dù đặc tính “trẻ hoá” chỉ được áp dụng một cách hạn chế đối với rất nhiều ASC, nhưng tôi vẫn đưa đặc điểm này vào danh sách mẫu số chung vì nó xuất hiện ở không ít trạng thái, đủ để khiến chúng ta phải chú ý tới. Do đó, khi xuất hiện từ một số những thay đổi sâu sắc nhất định của ý thức (ví dụ như trải nghiệm thức thần, các trạng thái giải toả căng thẳng cảm xúc thứ cấp sau khi sử dụng carbon dioxide, methamphetamine (hay Methedrine), ether hoặc amytal, thôi miên, chuyển đổi tôn giáo, các trạng thái siêu việt và thần bí, liệu pháp hôn mê insulin (sốc insulin), lên đồng, các nghi thức dậy thì nguyên thuỷ, và đôi khi trong một số trường hợp là ngủ sâu), nhiều người tuyên bố rằng họ trải nghiệm cảm giác hy vọng mới, trẻ hoá, phục hưng hoặc tái sinh (LaBarre, 1962; Coe, 1916; Bucke, 1961; Ludwig & Levine, 1966; James, 1929; Blood, 1874; Ebin, 1961; Huxley, 1954; LaBarre, 1964; Pahnke, 1967).

J. Cực kỳ dễ ám thị. Xét về toàn thể, tôi sẽ coi các biểu hiện của tính dễ ám thị của người đang ở trong ASC không chỉ với nhiều trường hợp dễ ám thị “chính” và “phụ” mà còn xét đến sự gia tăng của tính nhạy cảm và xu hướng chấp nhận mọi thứ một cách dễ dàng và/hoặc tự động phản hồi với các tuyên bố cụ thể của người đang ở trong ASC (ví dụ như mệnh lệnh hoặc hướng dẫn của lãnh đạo, pháp sư/thầy cúng, kẻ mị dân, hay người thôi miên) hoặc các dấu hiệu không cụ thể (ví dụ như kỳ vọng của nền văn hoá hoặc nhóm đối với một số loại hành vi hoặc cảm xúc chủ quan nhất định). Tính cực kỳ dễ ám thị cũng đề cập đến sự gia tăng của xu hướng nhận thức sai hoặc hiểu sai về các kích thích hoặc tình huống khác nhau dựa trên nỗi sợ hoặc mong muốn bên trong của một người.

Ngày càng rõ ràng rằng hiện tượng dễ ám thị liên quan đến ASC có thể được hiểu rõ nhất bằng cách phân tích trạng thái chủ quan của nó. Gần đây, các nhà lý thuyết dường như đã nhận thức được nhiều hơn về tầm quan trọng của trạng thái chủ quan đối với nhiều hiện tượng quan sát được ở người bị thôi miên. Ví dụ, Orne đã tuyên bố rằng “một thuộc tính quan trọng của thôi miên là khả năng đối tượng có thể thực sự trải nghiệm được những sự thay đổi trong môi trường một cách chủ quan giống như những điều mà anh ta được gợi ý, dù gợi ý này không phù hợp với thực tế” (Meltzer, 1956, p. 237). Sutcliffe nói thêm rằng “đặc điểm phân biệt của trạng thái này là niềm tin cảm xúc của chủ thể bị thôi miên rằng thế giới là do người thôi miên gợi ý, chứ không phải là một nhận thức giả về thế giới được gợi ý”  (1961, p. 200).

Khi cố gắng giải thích đặc điểm ấn tượng của tính cực kỳ dễ ám thị, tôi tin rằng có thể hiểu rõ hơn về hiện tượng này thông qua việc phân tích một số đặc điểm chủ quan liên quan đến ASC nói chung. Ngoài sự vắng mặt của các khả năng quan trọng của một người, còn có sự suy giảm khả năng kiểm nghiệm thực tế của người đó hay khả năng phân biệt giữa thực tế chủ quan và khách quan. Điều này có xu hướng tạo ra nhu cầu bù đắp để củng cố những khả năng yếu hơn của người này bằng cách tìm kiếm một số đạo cụ, hỗ trợ hoặc hướng dẫn nhất định để giảm bớt cảm xúc lo lắng liên quan đến việc mất kiểm soát. Trong nỗ lực bù đắp cho những khả năng quan trọng đã vắng mặt, người ta trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các gợi ý của người thôi miên, pháp sư, kẻ mị dân, người thẩm vấn, thầy cúng, nhà thuyết giáo hoặc bác sĩ, tất cả đều đại diện cho những nhân vật có thẩm quyền toàn năng. Với việc “xoá bỏ các ranh giới của bản thân”, vốn đại diện cho một đặc tính quan trọng khác của ASC, người đó cũng sẽ có xu hướng đồng nhất một cách gián tiếp với nhân vật có thẩm quyền, người mà những mong muốn và mệnh lệnh của họ được chấp nhận như chính bản thân người đó. Các mâu thuẫn, nghi ngờ, không mạch lạc và ức chế có xu hướng giảm đi (tất cả các đặc điểm trong “quy trình chính” của tư duy), và các gợi ý của người được trao quyền có xu hướng được chấp nhận như một thực tế cụ thể. Những gợi ý này trở nên quan trọng hơn và cấp thiết hơn nữa nhờ vào sự gia tăng của tầm quan trọng và ý nghĩa do các kích thích ở cả bên trong và bên ngoài trong quá trình thay đổi ý thức.

Với tất cả các yếu tố này, người ta đạt tới một trạng thái đơn động lực hay siêu động lực trong đó người này cố gắng nhận ra trong hành vi những suy nghĩ hoặc ý tưởng mà người đó trải nghiệm như một thực tế chủ quan. Thực tế chủ quan này có thể được xác định bởi một số tác động hoạt động riêng lẻ hoặc phối hợp với nhau, như là những kỳ vọng của người có thẩm quyền, nhóm, văn hoá, hoặc thậm chí là bởi “tiếng thì thầm bên trong” (ví dụ: trong các trạng thái tự thôi miên, cầu nguyện, ảo giác thính giác, hướng dẫn tinh tần) thể hiện mong muốn hoặc nỗi sợ của chính người đó.

Khi một người bước vào một số trạng thái ASC nhất định, chẳng hạn như hoảng loạn, rối loạn tâm thần cấp tính, mê sảng độc hại… trong đó định hướng bên ngoài hoặc cấu trúc không rõ ràng và không được xác định, các sản phẩm tinh thần bên trong của người này có xu hướng trở thành hướng dẫn chính của họ đối với thực tế, và đóng vai trong quan trọng trong việc xác định hành vi. Trong những trường hợp này, người ta dễ bị chi phối bởi cảm xúc của mình và những tưởng tượng cũng như suy nghĩ liên quan đến chúng hơn là hướng dẫn của người khác.

CHỨC NĂNG CỦA ASC

Chúng ta đã xem xét một số đặc điểm nhất định có liên quan đến ASC, chúng ta tiếp tục đặt câu hỏi rằng liệu chúng có phục vụ cho bất kỳ chức năng sinh học, tâm lý học hay xã hội nào của con người hay không. Luận điểm của tôi là sự xuất hiện và phổ biến của các trạng thái này ở người (Shor, I960) chứng minh cho tầm quan trọng của chúng trong cuộc sống hàng ngày. Tôi thấy rằng thật khó để chấp nhận rằng khả năng bước vào trạng thái xuất thần của một người được phát triển chỉ để bị thôi miên trong bối cảnh trên sân khấu hay trong phòng khám hay phòng thí nghiệm. Hơn nữa, sự xuất hiện rộng rãi và sử dụng các trạng thái huyền bí/đoạt hồn hay các trải nghiệm thẩm mỹ và sáng tạo chỉ ra rằng các ASC này thỏa mãn nhiều nhu cầu của con người và xã hội. Mặc dù luận điểm của tôi có thể mang tính viễn tưởng, nhưng tôi nghĩ rằng cách tiếp cận này sẽ giúp góp phần cho tương lai trong việc làm sáng tỏ bản chất và chức năng của các trạng thái này.

Quan điểm của tôi là các ASC có thể được coi là “con đường chung cuối cùng” (sử dụng thuật ngữ của Sherrington) cho nhiều hình thức biểu hiện và trải nghiệm khác nhau của con người, cả thích nghi và không thích nghi. Trong một số trường hợp, sự thoái lui tâm lý xuất hiện trong các ASC sẽ chứng minh là gây hại cho cá nhân và xã hội, nhưng trong một số trường hợp khác, sự thoái lui này sẽ “phục vụ cho bản ngã” (Kris, 1952) và cho phép con người vượt qua các giới hạn về logic và hình thức, hoặc bày tỏ các nhu cầu và mong muốn theo cách thức được xã hội chấp nhận và mang tính xây dựng.

A. Các biểu hiện không thích nghi. Các biểu hiện không thích nghi hay ứng dụng của ASC là rất nhiều và đa dạng. Sự xuất hiện của các ASC này có thể thể hiện (a) nỗ lực giải quyết xung đột cảm xúc (ví dụ như: cơn điên bỏ nhà đi, chứng mất trí nhớ, loạn thần kinh chấn thương, giải thể nhân cách và phân ly); (b) các chức năng tự vệ trong một số tình huống đe doạ nhất định dẫn đến sự xuất hiện của sự lo âu [ví dụ như rơi vào trạng thái thôi miên trong quá trình điều trị tâm lý (Dickes, 1965)]; (c) một bước đột phá của những xung động bị cấm (ví dụ: phản ứng loạn thần và hoảng sợ cấp tính); (d) trốn tránh trách nhiệm và các căng thẳng nội tâm (ví dụ: ma tuý, cần sa, rượu); (e) biểu hiện bên ngoài của các xung đột vô thức [ví dụ: đoạt hồn, bỏ bùa (Galvin, 1961; Jones, 1959; Ludwig, 1965a)]; (f) biểu hiện của các tổn thương có tổ chức hoặc rối loạn sinh lý thần kinh (ví dụ: cảm giác báo trước hoặc các điều kiện độc hại); và (g) một phản ứng vô ý và có khả năng gây nguy hiểm đối với một số kích thích nhất định (ví dụ: sốt đường trắng (thôi miên xa lộ), màn hình radar, xuất thần lúc làm nhiệm vụ canh gác).

B. Các biểu hiện thích nghi. Con người đã sử dụng nhiều loại ASC khác nhau trong một nỗ lực lãnh hội kiến thức hoặc kinh nghiệm mới, thể hiện các căng thẳng tinh thần hoặc giải toả xung đột mà không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác, đồng thời sống một cách phù hợp hơn và có tính xây dựng hơn trong xã hội.

1. Chữa lành: Trong suốt tiến trình lịch sử, việc tạo ra các ASC đã đóng một vai trò quan trọng trong nhiều phương thức chữa bệnh khác nhau. Các trạng thái này đã được sử dụng trong hầu hết mọi khía cạnh cs thể hình dung được trong điều trị tâm lý. Do đó, các pháp sư có thể rơi vào trạng thái xuất thần hay đoạt hồn để chẩn đoán căn nguyên bệnh tật của bệnh nhân, hoặc để tìm hiểu về các phương thức hoặc cách chữa bệnh cụ thể (Murphy, 1964). Hơn nữa, trong suốt quá trình điều trị hoặc nghi lễ chữa bệnh thực tế, các pháp sư, thầy thuốc, thầy tu, giáo sĩ, bác sĩ hoặc nhà tâm thần học có thể xem việc tạo ra một ASC ở bệnh nhân là một điều kiện tiên quyết quan trọng để chữa bệnh. Có rất nhiều cách thức chữa bệnh được thiết kế để lợi dụng tính dễ ám thị, xu hướng cảm thấy mọi thứ mang nhiều ý nghĩa hơn, xu hướng giải phóng cảm xúc, và cảm giác trẻ hoá có liên quan đến ASC. Người Ai Cập và Hy Lạp cổ đại đã thực hành phương thức “ủ bệnh” khi ngủ trong đền, chữa trị bằng đức tin ở Lourdes và các đền thờ tôn giáo khác, chữa lành thông qua cầu nguyện và thiền định, chữa trị bằng cách “chạm để chữa lành,” việc chạm tay lên người bệnh, cùng với các thánh tích tôn giáo chữa bệnh bằng phương pháp tâm linh, chữa trị bằng các phương pháp lên đồng, trừ tà, điều trị bằng thôi miên hoặc mê hoặc, và thôi miên hiện đại đều là những minh chứng rõ ràng về vai trò của ASC trong điều trị (Ludwig, 1964).

Các ASC gây ra bởi dược lý cũng đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật chữa bệnh. Các kỹ thuật phản ứng hoặc thanh tẩy tâm lý sử dụng peyote (một loại xương rồng nhỏ), ether, C02, chất an thần (amytal), methamphetamine, và LSSD-25 đã được sử dụng rộng rãi trong tâm thần học (Sargant, 1957; Freeman, 1952). Kubie và Margolin (Kubie, 1945; Margolin & Kubie, 1945) cũng đã nhận xét về giá trị điều trị của một số loại thuốc gây ra sự phân ly tạm thời và giảm bớt sự kìm nén.

Có lẽ không liên quan đến các tác dụng cụ thể của ASC trong điều trị là các hiệu ứng không cụ thể của một số thay đổi trong ý thức giúp duy trì trạng thái cân bằng và sức khỏe tinh thần. Ví dụ: ngủ, theo truyền thống được coi là “Người chữa lành Vĩ đại”, và giấc mơ dường như phục vụ cho các chức năng sinh học và tâm lý quan trọng của người (Snyder, 1963). ASC liên quan đến cực khoái tình dùng có thể được xem xét là sự thay đổi có lợi khác cho tinh thần, vốn không chỉ có giá trị về tồn tại sinh học như một sự củng cố mang tính tích cực cho ham muốn tình dục mà còn phục vụ như một lối thoát cho rất nhiều ham muốn và sự thất vọng của con người.

2. Phương thức để đạt được kiến thức và kinh nghiệm mới: Con người thường tìm cách tạo ra các ASC để có được kiến thức mới, cảm hứng hoặc kinh nghiệm. Trong lĩnh vực tôn giáo, cầu nguyện nhiệt thành, thiền thụ động, trạng thái mặc khải và tiên tri, các trải nghiệm thần bí và siêu việt, chuyển đổi tôn giáo, và bói toán … đã phục vụ con người trong việc mở ra các cảnh giới mới của trải nghiệm, khẳng định lại các giá trị đạo đức, giải quyết các xung đột về mặt cảm xúc và thường cho phép người ta đối phó với các tình huống khó khăn và thế giới xung quanh. CŨng cần lưu ý rằng trong nhiều nhóm người nguyên thuỷ, việc lên đồng được cho là giúp truyền đạt một kiến thức siêu phàm vốn không thể lĩnh hội được trong trạng thái bình thường. Những năng lực huyền bí như trí tuệ siêu phàm, “ân tứ nói tiếng lạ” (“gift of tongues” – chiếc lưỡi năng khiếu), và khả năng thấu thị được cho là xuất hiện trong buổi đoạt hồn (Field, 1960).

Dường như ASC góp phần làm phong phú thêm kinh nghiệm của con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Trải nghiệm thẩm mỹ mãnh liệt có được khi đắm chìm trong một khung cảnh hùng vĩ, một tác phẩm nghệ thuật hay âm nhạc có thể mở rộng kinh nghiệm chủ quan của con người và đóng vai trò như một nguồn cảm hứng sáng tạo. Cũng có nhiều trường hợp bất ngờ được soi sáng, các hiểu biết sáng tạo sâu sắc và giải quyết vấn đề xảy ra trong khi con người rơi vào các ASC như xuất thần, buồn ngủ, ngủ, thiền thụ động hoặc say thuốc (Koestler, 1964).

3. Chức năng xã hội: các ASC diễn ra trong bối cảnh nhóm dường như để phục vụ nhu cầu của nhiều cá nhân và xã hội. Mặc dù một cuộc trao đổi ngắn ngủi không thể nói rõ hết được tất cả trong số rất nhiều chức năng mà ASC phục vụ cho nhiều nền văn hoá khác nhau, nhưng chúng ta có thể nhắc đến một vài ví dụ tiêu biểu.

Nếu chúng ta coi việc lên đồng như một ví dụ kiểu mẫu về giá trị tiềm năng của ASC, chúng ta thấy rằng sự xâm nhập xã hội và sự phân nhánh của nó là đáng kể. Từ quan điểm tích cực của một cá nhân, việc được các vị thần của bộ lạc hoặc địa phương nhập vào người trong một buổi lễ tôn giáo sẽ cho phép người đó đạt được địa vị cao thông qua việc hoàn thành vai trò thờ phượng của mình, được tạm thời giải phóng khỏi trách nhiệm đối với các hành động và tuyên bố của chính bản thân mình, và cho phép người đó thể hiện các hành vi hung hãn và xung đột hay ham muốn tình dục theo cách thức được xã hội cho phép (Mischel & Mischel, 1958). Những căng thẳng và sợ hãi sẽ biến mất, và một cảm giác an toàn về tinh thần và sự tự tin mới có thể thay thế sự tuyệt vọng và vô vòng của một sự tồn tại bên lề (Davidson, 1965).

Từ quan điểm của xã hội, nhu cầu của bộ lạc hoặc nhóm được đáp ứng thông qua sự đồng nhất gián tiếp của nó với người đang ở trạng thái xuất thần, người này không chỉ đạt được sự thỏa mãn cá nhân từ sự chiếm hữu của linh hồn thần thánh mà còn có thể hành động vượt ra khỏi một số mâu thuẫn và nguyện vọng của nhóm vốn đã được nghi thức hoá, chẳng hạn như chủ đề về cái chết và sự phục sinh, những điều cấm kỵ trong văn hoá… (LaBarre, 1962; Belo, 1960; Field, 1960; Ravenscroft, 1965; Davidson, 1965; Deren, 1952). Hơn nữa, các biểu hiện hành vi kịch tính của nghi thức lên đồng được dùng để thuyết phục những người tham gia duy trì mối quan tâm của họ đối với các vị thần, tái khẳng định niềm tin địa phương của họ, cho phép họ kiểm soát một số điều chưa biết, tăng cường sự gắn kết trong nhóm và bản thể nhóm, và ban cho lời nói của những người bị mê hoặc, thầy cúng hoặc thầy thu một tầm quan trọng mà họ không thể có được nếu nói ra trong một bối cảnh bình thường. Nói chung, sự tồn tại của các hoạt động như vậy là một ví dụ tuyệt vời về cách xã hội tạo ra các mô hình giảm thiểu sự thất vọng, căng thẳng và cô đơn thông qua hành động nhóm.

Cuối cùng, có vẻ như ASC đóng một vai trò hết sức quan trọng trong trải nghiệm và hành vi của con người. Rõ ràng là những trạng thái này có thể đóng vai trò là những phương cách thích nghi và không thích nghi để thể hiện vô số đam mê, nhu cầu và mong muốn của con người. Hơn nữa, có rất ít câu hỏi mà chúng ta có thể phần nào lý giải một cách thoả đáng nhằm hiểu một cách đầy đủ các khía cạnh và chức năng của ASC. Tôi xin trích dẫn những nhận xét rất xác đáng của William James (1929, pp. 378-379) dưới đây:

“… Trạng thái bình thường của ý thức chỉ là một trạng thái đặc biệt của ý thức. Nhưng ngoài trạng thái này, được tách biệt bởi những màng ngăn mỏng nhẹ nhất, có tồn tại những dạng tiềm năng của ý thức hoàn toàn khác. Chúng ta có thể sống đến hết đời mà không mảy may biết được về sự tồn tại của chúng; nhưng khi áp dụng những kích thích cần thiết, chỉ cần chạm nhẹ là chúng đã xuất hiện một cách hoàn chỉnh, các dạng tâm lý đã xác định này có lẽ tồn tại cho những ứng dụng và môi trường thích ứng riêng. Việc không có bất cứ mô tả hoàn chỉnh nào về chúng khiến cho những dạng ý thức này khá bị xem thường. Chúng ta cần phải nhìn nhận và đánh giá nó như thế nào là một câu hỏi cần được trả lời – bởi nó không tồn tại liên tục với trạng thái bình thường của ý thức. Nhưng chúng có thể xác định thái độ mặc dù không tạo ra các khuôn mẫu, và mở ra một khu vực mà chúng không thể cung cấp bản đồ. Khi xuất hiện, chúng khiến cho chúng ta có những nhận thức sai lạc về thực tế.”

TỔNG KẾT

Mặc dù có nhiều báo cáo lâm sàng và nghiên cứu về một số trạng thái thay đổi của ý thức, nhưng có rất ít nỗ lực khái niệm hoá mối quan hệ giữa các trạng thái này và các điều kiện cần thiết để chúng xuất hiện. Để đạt được mục đích này, tác giả đã cố gắng tích hợp và thảo luận những phát hiện từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong một nỗ lực nhằm hiểu rõ hơn về các trạng thái này và chức năng của chúng đối với con người và xã hội.

Khi xem xét nhiều trạng thái thay đổi của ý thức đã được con người trải nghiệm, người ta có thể thấy rõ là có nhiều điều kiện cần thiết góp phần vào sự xuất hiện của chúng. Hơn nữa, mặc dù các biểu hiện bề ngoài và các trải nghiệm chủ quan có liên quan đến các trạng thái thay đổi của ý thức có thể khác nhau, có một số đặc tính cơ bản chung thường xuất hiện ở hầu hết các trạng thái này. Từ quan điểm chức năng, rõ ràng là nhiều trạng thái thay đổi của ý thức đóng vai trò như “con đường chung cuối cùng” cho nhiều hình thức biểu hiện khác nhau của con người, cả thích nghi và không thích nghi.